Ra mắt vào năm 2015, “Lê Bích bụng phệ” là một nhân vật thân thuộc với cư dân mạng nhờ những câu chuyện hài hước và thực tế. Đến nay, “Lê Bích bụng phệ” đã trở thành nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng comic Việt và được nhiều người yêu thích với gần 300 nghìn lượt theo dõi trên Facebook.
Đằng sau nhân vật “đình đám” này là Đinh Trần Tuấn Linh – chuyên gia sản xuất nội dung với hơn 18 năm kinh nghiệm. Bên cạnh đó, anh còn được biết đến với vai trò nhà sáng lập nhiều đội sản xuất nội dung đa lĩnh vực như: game (3DVN), Digital Astrology (Chiêm tinh số), viết sáng tạo và xuất bản (SAKÉDEMY), trí tuệ nhân tạo sản xuất content (UNIKON),….
Trong buổi trò chuyện với Advertising Vietnam, Đinh Trần Tuấn Linh đã có những chia sẻ về trải nghiệm 18 năm làm việc trong lĩnh vực sản xuất nội dung cùng nhiều lời khuyên bổ ích cho Content Creator (người sáng tạo nội dung). Mời các bạn cùng theo dõi!
Các bạn trẻ mới bước chân vào lĩnh vực sáng tạo nội dung thường hoang mang trước những “ngã rẽ”, nên chọn ngách nào để dấn thân hay phát triển ở hình thức nội dung nào? Sau vài năm làm việc và sự sáng tạo bị “bào mòn”, Content Creator lại đứng trước thách thức làm mới bản thân và cạnh tranh với những nhân tố mới trong ngành.
Trước sự loay hoay của nhiều bạn trẻ hiện nay, Đinh Trần Tuấn Linh đã bày tỏ về cơ duyên đến với nghề sản xuất nội dung của mình. Quay ngược về thời điểm năm 2003, khi còn là một sinh viên năm 3 tại Đại học Bách Khoa, Đinh Trần Tuấn Linh tham gia nhóm làm phim hoạt hình 3D trong một lần lướt web. Để duy trì được ước mơ làm phim hoạt hình, anh và đồng đội sẵn sàng làm thuê mọi việc, từ viết báo, sửa sách, làm web, quản lý forum đến sửa video, lồng tiếng quảng cáo, gia công đồ họa. Sau đó, anh và đồng đội nhận được dự án làm phim 3D cho truyền hình và gặt hái được nhiều thành quả. Đây cũng là bước đệm để anh phát triển sự nghiệp sản xuất nội dung đa lĩnh vực như truyền hình tương tác, kỹ xảo, digital astrology (chiêm tinh học kỹ thuật số) và cho ra mắt nhân vật ảo Lê Bích bụng phệ cùng tác phẩm Đời về cơ bản là buồn cười.
Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng, việc người trẻ loay hoay trước những định hướng chứng tỏ sự tò mò và mong muốn phát triển trong ngành. Tuy nhiên, những câu hỏi sẽ chỉ có câu trả lời khi mỗi người bắt tay vào hành động. Nhờ tâm thế sẵn sàng thử và chấp nhận cái sai, Đinh Trần Tuấn Linh đã hiểu mình yêu thích và phù hợp với lĩnh vực digital content creation (chế tác nội dung số) từ rất sớm.
Sau thành công của Lê Bích bụng phệ, anh trở thành người giảng dạy và mở các khóa học liên quan đến nội dung như viết sáng tạo, viết báo, xuất bản, tâm lý học,… và hiện tại là AI Trainer để tiếp tục thực hiện đam mê đó.
Đinh Trần Tuấn Linh chia sẻ, anh không bao giờ bó buộc mình trong một lĩnh vực cụ thể mà luôn tò mò, tìm hiểu những cái mới.“Mỗi khi học thêm một lĩnh vực, kiến thức mới, tôi cảm nhận rõ rệt nội dung mình tạo ra trong giai đoạn đó dày thêm một lớp nghĩa. Tất cả lĩnh vực từng làm đều là một lăng kính để tôi nhìn về cuộc sống, từ đó tạo ra nhiều nội dung đa chiều và thú vị hơn”.
Sau gần 20 năm trong nghề, Đinh Trần Tuấn Linh tiếp xúc với rất nhiều người cùng làm nội dung và nhận ra một điểm chung ở những người làm nội dung tốt là khả năng duy trì tốt sự đọc, sự học và tích lũy. Việc có thêm vài kỹ năng hoặc trải nghiệm sống sẽ giúp nội dung của người làm sáng tạo trở nên “dày dặn” và có chiều sâu hơn.
Trong thế giới content marketing hiện đại, Content Creator có nhiệm vụ sáng tạo nội dung nhanh và bắt “trend” để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội dung của độc giả. Nhưng với kinh nghiệm của một người sản xuất nội dung lâu năm, anh Linh cho rằng:
- Sáng tạo nội dung là một quá trình dài, ở đó các ý tưởng cần nuôi dưỡng để đủ chín mới nên thu hoạch.
- Để nuôi dưỡng những ý tưởng của mình, người làm nội dung buộc phải duy trì thói quen học tập, tích lũy kiến thức và không ngừng trải nghiệm.
- Đừng chỉ ngồi trước màn hình máy tính hay lên mạng xem người ta nói gì, người làm nội dung nên chủ động làm mọi thứ có thể để tiếp cận kiến thức và góc nhìn mới.
- Thay vì tập trung vào phong cách riêng hoặc dấu ấn cá nhân, người làm nội dung nên quan tâm đến nhu cầu của độc giả và không ngừng đổi mới tư duy để sáng tạo những nội dung hữu ích, giá trị truyền tải đến họ.
Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, người làm sáng tạo nói chung và nội dung nói riêng đều đứng trước nguy cơ bị đào thải, khi ở bất cứ đâu trên mạng xã hội, chúng ta cũng bắt gặp những Content Creator có hàng triệu lượt theo dõi. Không những thế, cuộc đổ bộ của trí tuệ nhân tạo lên mọi lĩnh vực của cuộc sống và dần thay thế con người trên nhiều phương diện cũng đặt ra nhiều thách thức với những ai theo đuổi lĩnh vực sáng tạo.
Đinh Trần Tuấn Linh nhận định, chúng ta đang sống trong một thời đại mà bất kỳ ai cũng có thể trở thành Content Creator, Content Publisher lẫn Content Consumer. Tuy nhiên, rào cản tham gia thấp đồng nghĩa với tiêu chuẩn thấp, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rất nhiều nội dung “rác” đang tràn lan trên mạng xã hội. Content Creator muốn đi xa trong ngành vừa phải tự “bơi trong rác”, vừa phải tránh để không tạo thêm những nội dung tương tự. Khi thị trường càng bão hoà thì những nội dung chính danh (authentic) và chất lượng sẽ càng có cơ hội tỏa sáng. Đặc biệt trong thời đại số, những nội dung do máy tạo ra đang xuất hiện ngày một nhiều trên các trang web, sách báo và các lĩnh vực khác. Để thích nghi, người làm nội dung “hoặc phải hiểu về công nghệ để tạo nhiều sản phẩm hơn, tốt hơn và nhanh hơn hoặc phải dành nhiều thời gian để làm nhiều sản phẩm của riêng mình và trở thành một người thợ thủ công giá cao”.
“Tôi tin rằng không ai trong chúng ta có thể ‘thoát’ được sự phát triển công nghệ. Lúc trước chúng ta còn có thể ‘lên thuyền’ hoặc không, nhưng bây giờ, chúng ta chỉ có duy nhất lựa chọn là sống chung với công nghệ. Content Creator là những người tiếp xúc với công nghệ đầu tiên, họ phải nhanh nhạy hơn trong việc tận dụng công nghệ để tối ưu hoá công việc và nâng cấp bản thân” – Anh Linh đúc kết.
Anh cũng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ đang theo đuổi lĩnh vực sản xuất nội dung: Chúng ta đều biết thế giới đang thay đổi và mỗi người đều phải học cách chấp nhận sự thay đổi đó. Khi thị trường ngày càng khốc liệt, người làm nội dung càng phải đủ bình tĩnh để tạo ra lợi thế cạnh tranh của bản thân bằng nhiều cách khác nhau, chẳng hạn:
Cảm ơn chuyên gia sản xuất nội dung Đinh Trần Tuấn Linh về những chia sẻ thú vị với độc giả Advertising Vietnam! Chúc anh gặt hái thêm nhiều thành công và luôn là nguồn cảm hứng cho các bạn trẻ đam mê sáng tạo nội dung!